Thứ Năm, 19 tháng 1, 2012

Hôm nay, đặt đá xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng


Sau một thời gian ngắn tích cực chuẩn bị, sáng nay – 26/11/2011 (tức ngày 2/11 Tân Mão) - lễ đặt đá xây dựng chính thức hưng công xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng trên dãy núi Nham Biền được chính quyền tỉnh Bắc Giang long trọng tổ chức, nhằm khôi phục lại tinh thần tu học theo thiền phái Trúc Lâm, tôn vinh giá trị tinh thần Phật giáo, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc…

Phối cảnh Trúc Lâm Thiền viện Phượng Hoàng
Phối cảnh Trúc Lâm Thiền viện Phượng Hoàng
Vùng đất lành…
Vùng Nham Biền từ thời Lý – Trần vốn đã nổi danh là vùng đất Phật. Nơi đây, từng hiện hữu nhiều tự viện như chùa Hang Chàm, chùa Nguyệt Nham, chùa Liễu Đê, chùa Kem v.v…Cách đỉnh Đền Vua – nơi cao nhất của dãy núi Nham Biền - 15km về phía Đông Bắc là chùa Vĩnh Nghiêm (còn gọi là chùa La) thuộc thiền phái Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông sáng lập từ thế kỷ XIII – nơi Trúc Lâm Tam tổ từng trụ trì và thuyết pháp, đào tạo tăng ni.
Huyền tích xa xưa còn nhắc chuyện đàn chim phượng hoàng tìm về nhưng chỉ đủ chỗ đậu cho 99 con, còn con đầu đàn thiếu chỗ nên vùng Nham Biền không trở thành vùng đất đế vương. Còn sách Đại Việt sử ký toàn thư có chép: “…Tháng 8 năm Bính Tuất (1226) giáng Huệ hậu (tức vợ vua Lý Huệ Tông) làm Thiên Cực công chúa, gả cho Trần Thủ Độ, lấy châu Lạng làm ấp thang mộc…” Châu Lạng, chính là vùng đất nằm giữa sông Thương và sông Cầu trong đó có dãy Nham Biền và non Vua, thuộc về lộ Lạng Giang.
Theo tiền nhân truyền lại, một lần, Thái sư Trần Thủ Độ về vùng này thấy dân tình khốn khổ vì nạn mãng xà hoành hành đã ra tay diệt trừ giúp dân. Vùng này sau khi trở thành vùng đất thang mộc ấp của Linh Từ Quốc mẫu Trần Thị Dung, thuở sinh thời Thái sư thường vẫn cùng Quốc mẫu về đây nghỉ ngơi.
Tuy không trở thành nơi kiến lập vương thành, nhưng sừng sững một dãy 99 ngọn núi với sinh khí dồi dào, dãy Nham Biền vẫn đáng là nơi “đất lành” để tạo thêm cảnh quan đẹp về sinh thái, văn hóa và tâm linh cho khách thập phương.
Nhận thấy những giá trị đặc biệt về lịch sử truyền thống, nơi địa linh của vùng đất Nham Biền, tháng 8/2011, UBND huyện Yên Dũng có văn bản số 970/UBND-VX gửi UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị cho phép xây dựng trên dãy Nham Biền một ngôi thiền viện nhằm “làm nơi cho các Phật tử, du khách tu thiền, tôn vinh giá trị tinh thần của Phật giáo, góp phần xây dựng nền đạo lý dân tộc, đẩy lùi mê tín dị đoan, tạo thêm cảnh quan đẹp, phát triển du lịch sinh thái – văn hóa – tâm linh; bảo vệ rừng và môi trường”.
Ngày 4/8/2011, Đại đức Thích Kiến Nguyệt – trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên Tam Đảo – đã có văn bản số 177/VT – TVTLTT xin phép các cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương cho chính thức hưng công xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng.
Đề nghị của huyện Yên Dũng cũng như đề xuất của Đại đức Thích Kiến Nguyệt đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của UBND tỉnh Bắc Giang theo văn bản số 1973/UBND-VX ngày 30/8/2011.
Ngày 16/9/2011, Ban Tôn giáo Chính phủ có văn bản số 800/TGCP-PG trả lời UBND tỉnh Bắc Giang, khẳng định: “ Việc xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của nhân dân, đồng thời lưu giữ và khẳng định những giá trị văn hóa đạo đức của tiền nhân; là việc làm phù hợp với nguyện vọng của đông đảo nhân dân, đúng với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc.”
Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng có văn bản số 111/CV.HĐTS nêu rõ: “Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn ủng hộ việc xây dựng các cơ sở tự viên Phật giáo để làm nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh Phật giáo cho tín đồ Phật tử, đồng thời lưu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa đạo đức của Phật giáo, của dân tộc.
Đại đức Thích Kiến Nguyệt là tu sĩ sinh hoạt trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đủ điều kiện làm chủ đầu tư, kết hợp cùng các doanh nghiệp, Phật tử và nhân dân địa phương đứng ra tổ chức thi công xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng.”
… rạng rỡ ánh Phật quang
 Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng được xây dựng trong khu vực núi Đền Vua. Tâm tưởng của nhân dân và chính quyền nơi đây – thông qua công trình to lớn, nhiều ý nghĩa này - chính là nhằm khôi phục lại tinh thần tu học theo thiền phái Trúc Lâm, tôn vinh giá trị tinh thần Phật giáo đời Trần đã góp phần tạo nên sức mạnh cho dân tộc đánh thắng ngoại xâm.
Việc xuất hiện Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng sẽ tạo thêm cảnh quan du lịch sinh thái, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh tín ngưỡng của nhân dân, lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa đạo đức của tiền nhân. Đặc biệt, Thiền viện cũng “nối liền” du khách bốn phương với một hệ thống các điểm du lịch văn hóa tâm linh lớn trong vùng như Đền Kiếp Bạc, chùa Vĩnh Nghiêm và non thiêng Yên Tử…Công trình này có tổng kinh phí khoảng 100 tỷ đồng thông qua phương thức xã hội hóa.
Với sự hoan hỷ công đức của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và Phật tử mười phương, chắc chắn sau 2 năm khẩn trương xây dựng, trên dãy Nham Biền sẽ viên mãn hiện hữu một ngôi thiền viện bề thế, uy nghi với rạng rỡ ánh Phật quang từ bi hỷ xả, góp phần hoàn chỉnh hệ thống du lịch sinh thái của tỉnh Bắc Giang, kết nối với hệ thống di tích Tây Yên Tử, phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của Yên Dũng nói riêng, của tỉnh Bắc Giang và vùng Đông Bắc nói chung.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét